kinhnghiemnhatban.jpg

Điện mặt trời trên mái được hỗ trợ như thế nào từ EVN?

Tin thị trường 03-08-2019
Mặc dù phải mua điện từ các nguồn điện mặt trời với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành, nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích điện mặt trời trên mái. Cụ thể, EVN đã có các hướng dẫn ban đầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển điện mặt trời trên mái.

Tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam

Với điều kiện thời tiết, địa hình và khí hậu Việt Nam, ước tính tiềm năng kỹ thuật để phát triển điện mặt trời có thể lên tới gần 340.000 MWp. Các vùng đồng bằng sông Hồng, trung du, miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ có số giờ nắng trung bình từ 1300 - 2200 giờ/năm. Các vùng có tiềm năng bức xạ mặt trời lớn nhất là từ miền Trung Trung bộ tới miền Nam, với số giờ nắng trung bình năm từ 2200 - 2700 giờ/năm.

Thời gian gần đây, với các chính sách ưu đãi từ nhà nước, rất nhiều dự án điện mặt trời đã được triển khai đầu tư xây dựng, tập trung tại các tỉnh có tiềm năng cao như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Tây Ninh, Khánh Hòa... Quy mô các dự án điện mặt trời thường từ 50 MW tới vài trăm MW. Với quy mô khoảng 50 MW, một dự án điện mặt trời cần diện tích đất bằng phẳng khoảng 60 hecta, khá tốn đất đai. Ngoài ra, do việc phát triển ồ ạt điện mặt trời trên một số tỉnh nhất định đã gây nguy cơ quá tải lưới điện và mất an toàn trong vận hành hệ thống điện.

Vì vậy, trong hơn 20.000 MW công suất các dự án điện mặt trời đang trình bổ sung quy hoạch điện, mới chỉ có khoảng trên dưới 7.000 MW được duyệt và Nhà nước phải đầu tư trên hàng ngàn tỷ đồng để tăng cường, nâng cấp đường dây truyền tải và trạm biến áp (kể cả lưới điện siêu cao áp 500 kV) để có thể "hấp thụ" được lượng công suất đã được duyệt.

Nguồn điện mặt trời trên mái

Điện mặt trời được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy... với quy mô vài kW tới cỡ MW được gọi là điện mặt trời trên mái. Nguồn điện mặt trời trên mái có cấu tạo khá đơn giản: các tấm pin mặt trời thông dụng có công suất module khoảng trên 290 -:- 350 Wp được thiết kế kiểu panel với kích thước 1956 x 992 x 50 mm, diện tích khoảng trên 1,9 m2. Quang năng từ mặt trời sẽ qua tấm panel chuyển hóa thành dòng điện một chiều. Tấm panel được nối qua đường cáp tới bộ chuyển đổi dòng một chiều - DC sang dòng xoay chiều - AC, sau khi được điều chỉnh về tần số 50Hz và nâng lên điện áp hạ áp (380V), hoặc trung áp (22kV) và đảm bảo các thông số kỹ thuật khác, điện sẽ được đưa vào lưới điện công cộng hoặc/ và cung cấp cho nhu cầu dùng điện hàng ngày trong hộ gia đình, doanh nghiệp.

Điện mặt trời trên mái là loại hình nguồn điện có nhiều ưu điểm so với mô hình điện mặt trời tập trung, cụ thể:

- Không tốn diện tích đất do điện mặt trời trên mái được lắp đặt trên mái nhà các vị trí đã được xây dựng và sử dụng vào mục đích hữu ích khác.

- Điện mặt trời trên mái giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình;

- Điện mặt trời trên mái có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải tốn kém.

- Điện mặt trời trên mái được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, trong khu công nghiệp nên có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân.

- Điện mặt trời trên mái khi được phát triển nhanh sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ thiếu nguồn điện tại chỗ của khu vực miền Nam.

- Điện mặt trời trên mái với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.

Chính sách hỗ trợ điện mặt trời trên mái của cơ quan quản lý Nhà nước và EVN

Trong các chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời là loại hình được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi.

Ngày 11 tháng 4 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có nêu giá bán điện từ các nhà máy điện mặt trời, bao gồm cả từ trang trại điện mặt trờiđiện mặt trời trên mái là 9,35 US cent/ kWh (2086 đồng/ kWh theo tỷ giá chuyển đổi năm 2017). Sau đó đã có Thông tư 16 /2017 /TT-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời đã có các nội dung khuyến khích và hướng dẫn bên mua điện (các đơn vị điện lực thuộc EVN) và bên bán điện lập hợp đồng mua bán điện trên cơ sở Hợp đồng mẫu được Bộ Công Thương ban hành.

Để khuyến khích hơn nữa phát triển điện mặt trời trên mái, ngày 8 tháng 1 năm 2019 Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg của về sửa đổi một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017, trong đó thay vì hộ đầu tư điện mặt trời trên mái chỉ bán phần dư của điện từ nguồn điện mặt trời trên mái như quy định trước (qua cơ chế bù trừ), thì sẽ được bán toàn bộ lượng điện sản xuất từ điện mặt trời trên mái với giá ưu đãi, còn vẫn mua riêng rẽ điện của EVN với giá hiện hành (bình quân 1720 đồng/ kWh) qua điện kế 2 chiều.

Mặc dù phải mua điện từ các nguồn điện mặt trời với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành, nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, EVN đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích điện mặt trời trên mái. EVN đã có các văn bản số 1337/EVN-KD ngày 21 tháng 3 năm 2018 và văn bản số 5113/EVN-KD ngày 9 tháng 10 năm 2018 gửi các tổng công ty điện lực và Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin về việc hướng dẫn tạm thời đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, trong đó có các hướng dẫn ban đầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển điện mặt trời trên mái.

Nỗ lực của EVN và những kết quả ban đầu về phát triển điện mặt trời trên mái

EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiên phong thực hiện lắp đặt điện mặt trời trên mái trên mái các tòa nhà trụ sở, mái các công trình điều hành, trạm biến áp; tăng cường các hoạt động tuyên truyền quảng bá để doanh nghiệp và người dân đầu tư điện mặt trời trên mái, v.v...

Đến cuối năm 2018 tại các công trình xây dựng trực thuộc các đơn vị thành viên của EVN đã có trên 3,2 MW công suất điện mặt trời trên mái được lắp đặt, trong đó tại Tổng Công ty Điện lực Hà Nội: 52 kWp, tại Tổng Công ty Điện lực miền Trung: 352 kWp, tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam: 1.985 kWp.

Đến cuối năm 2018, trên địa bàn TP. HCM đã có 906 hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp đã thực hiện lắp đặt điện mặt trời trên mái với tổng công suất đạt gần 10,4 MWp. Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã thực hiện lắp đặt được gần 1,128 MWp điện mặt trời trên mái và đang triển khai lắp đặt 2,658 MWp tại trụ sở và các công trình thuộc đơn vị quản lý.

Theo tổng hợp từ EVN, kết quả phát triển điện mặt trời trên mái trong năm 2018 trên toàn quốc ước tính có 1.800 khách hàng lắp đặt được 30,12 MWp công suất điện mặt trời trên mái, với điện năng phát lên lưới là 3,97 triệu kWh.