new/solar-toyota.jpg

Các thành phần cơ bản của hệ thống điện mặt trời trên mái

Tin thị trường 08-07-2019
Với những lợi ích không thể chối cãi từ năng lượng mặt trời, ngày nay, rất nhiều hộ gia đình cũng như doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng đã bắt đầu lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái để sử dụng. Vậy hệ thống này có những thành phần nào?

Pin năng lượng mặt trời (Solar Panel)

Đây là thành phần cơ bản và quan trọng nhất của hệ thống điện mặt trời trên mái, có tác dụng chuyển hóa quang năng thành điện năng. Pin năng lượng mặt trời được cấu thành từ các phần tử bán dẫn là tế bào quang điện (solar cells). Mỗi tấm pin mặt trời thường được ghép từ 60 đến 72 tế bào quang điện. Tế bào quang điện làm từ các tấm silicon có độ tinh khiết nhưng được pha tạp với các tạp chất đặc biệt (Silicon loại N và Silicon loại P) trong cấu trúc mạng có nhiều “electron” và “lỗ”.  Cơ chế hoạt động dựa trên sự biến đổi các hạt photon trong ánh sáng mặt trời giải phóng ra các hạt electron tự do di chuyển trong tế bào quang năng, từ đó tạo thành dòng điện một chiều DC.

Ngoài ra, gắn với hệ thống pin năng lượng mặt trời còn có bộ điều khiển pin để điều chỉnh trong quá trình sử dụng như thời gian sạc, hướng xoay của các tấm pin.

Bộ biến tần năng lượng mặt trời (Solar Inverter)

Sau khi quá trình biến đổi thành điện một chiều ở pin năng lượng mặt trời, hệ thống cần bộ biến tần để chuyển dòng điện 1 chiều DC thành dòng điện xoay chiều AC mới có thể đưa vào sử dụng được, cung cấp tải điện cho các thiết bị trong hộ gia đình, công ty, cơ quan.

Nếu lượng điện mặt trời trên mái không đủ để sử dụng thì bộ biến tần này sẽ lấy điện từ điện lưới quốc gia để cung cấp điện năng cho thiết bị trong nhà.

Bộ cơ chế bù trừ điện năng (Net-metering)

Bộ cơ chế bù trừ có tác dụng khi lượng điện mặt trời thu từ điện mặt trời trên mái được vượt quá nhu cầu dùng điện, sử dụng công tơ hai chiều. Lượng dư thừa đó sẽ được bán lại cho bên mua điện theo giá thỏa thuận từ trước. Tại Việt Nam, đơn vị có trách nhiệm mua lại điện chính là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc công ty thành viên của đơn vị này với giá là 2.086 đồng/KWh, giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Net-Metering sẽ giúp cho chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái tránh được lãng phí nếu hệ thống sản xuất ra quá nhiều điện. Như vậy, không chỉ tiết kiệm được chi phí từ việc giảm hóa đơn điện hòa lưới mà còn tăng thêm thu nhập từ việc bán điện cho chủ sở hữu hệ thống.

Các thành phần khác

Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời trên mái còn có nhiều thành phần phụ khác như các giàn khung, giá đỡ gia cố cho các tấm pin năng lượng mặt trời, đồng hồ điện, bộ ngắt kết nối hay máy phát dự phòng. Tùy vào điều kiện về ánh sáng mặt trời và vị trí, lựa chọn của chủ đầu tư hệ thống sẽ bổ sung các thiết bị khác nhau.

Nguồn: www.indianinstituteofsolarenergy.com