5-toa-nha-dep-man-nhan-voi-dien-mat-troi-cho-doanh-nghiep-1.jpg

5 tòa nhà đẹp mãn nhãn với điện mặt trời cho doanh nghiệp

Tin thị trường 22-07-2019
Từ Tổng hành dinh của Apple tới campus văn phòng tại Boston của GE, các tòa nhà với thiết kế tích hợp hệ thống điện mặt trời cho doanh nghiệp đã nâng tầm kiến trúc của các tòa nhà hiện đại trong tương lai.

Trụ sở “tàu vũ trụ” mới của Apple tại Cupertino dự kiến sẽ là một trong những khuôn viên văn phòng xanh nhất thế giới. (Ảnh: Apple)

Khi giá thành sản xuất năng lượng mặt trời đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và ngày càng có thêm những tiến bộ trong thiết kế, nhiều kiến trúc sư đang chuyển sang ứng dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí và tạo nên tính thẩm mỹ cao tại các tòa nhà. Trong hai năm tới, một số dự án xây dựng lớn nhất trên thế giới sẽ tích hợp sản xuất điện mặt trời từ tầng thượng xuống mặt tiền của tòa nhà. Sau đây là một trong số các dự án tiên phong đó.

Tổng hành dinh “tàu vũ trụ” của Apple

Trụ sở mới của Apple tại Cupertino sẽ sản xuất hơn 16 megawatt điện từ hệ thống điện mặt trời áp mái. (Ảnh: Apple)

Trụ sở mới trị giá 5 tỷ USD của Apple tại Cupertino, California, được mệnh danh là "Tàu vũ trụ", sẽ không chỉ chứa những mảnh kính có cấu trúc lớn nhất từng được chế tạo, mà còn là một trong những hệ thống điện mặt trời cho doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới từng được thiết kế cho một tòa nhà công ty. Gã khổng lồ công nghệ đang tận dụng diện tích bề mặt mái nhà rộng lớn của mình để lắp đặt hàng ngàn tấm pin mặt trời với công suất ước tính 16 megawatt điện. Khuôn viên cũng sẽ có 4 megawatt pin nhiên liệu khí sinh học và cung cấp thêm 130 megawatt năng lượng tái tạo từ First Solar - một công ty sản xuất điện mặt trời gần đó.

Ngoài năng lượng tái tạo, Apple cũng đang trồng thêm 2.500 cây xanh (nâng tổng số cây lên đến hơn 7.000), xây dựng cung đường riêng cho xe đạp và người đi bộ. Tổng cộng, khuôn viên 175 mẫu Anh này sẽ có 80% diện tích cho không gian xanh.

Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook cho biết: "Trụ sở mới của chúng tôi sẽ là tòa nhà xanh nhất hành tinh", đó sẽ là tâm điểm của sự đổi mới và đó rõ ràng là điều mà nhân viên của chúng tôi mong muốn."
Tổng hành dinh mới của Apple dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Tòa nhà chọc trời dùng hệ thống điện mặt trời độc lập tại Melbourne

Tòa nhà Sol Invictus được thiết kế với hệ thống sản xuất điện mặt trời độc lập. (Ảnh: Thordle Thorp)

Một tòa nhà chung cư 60 tầng - biểu tượng “chọc trời” mới của Melbourne đang được xây dựng nhằm mang đến cho các cư dân tương lai một trải nghiệm hoàn toàn mới khi sử dụng hệ thống sản xuất điện mặt trời độc lập. Để làm được điều này, công ty thiết kế Peddle Thorp Architects đã thiết kế mặt tiền tòa nhà bọc trong những tấm pin mặt trời và bổ sung các tuabin gió gắn trên mái nhà, thiết kế bền vững và hệ thống lưu trữ năng lượng cực lớn. Được đặt tên là Sol Invictus ("Mặt trời bất khả chiến bại"), tòa nhà sẽ được xây dựng với bề ngoài có các mặt cong có thể bắt được càng nhiều chuyển động từ đông sang tây của mặt trời càng tốt.

"Ý tưởng này sẽ cho thấy công nghệ định hình một phần cơ bản của kiến trúc như thế nào", kiến trúc sư Peter Brook từ Peddle Thorp chia sẻ. "Nhiều kiến trúc sư xây dựng các tòa nhà để giảm sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp này, chúng tôi đã làm điều ngược lại."

Theo Brook, việc tận dụng các tấm pin mặt trời ở mặt tiền và ở mái nhà cho phép đơn vị thiết kế mở rộng diện tích có sẵn cho năng lượng tái tạo từ 4.305 feet vuông lên 37.673 feet vuông. Diện tích đó sẽ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu năng lượng của toàn bộ tòa nhà. Trong ba đến bốn năm tới, đơn vị thiết kế hy vọng rằng việc tăng hiệu quả sản xuất và các cải tiến khác trong công nghệ sẽ đưa con số đó đến gần hơn 100% nhu cầu sử dụng.

“Tấm màn che mặt trời” tại Tổng hành dinh của General Electric

Tổng hành dinh mới của General Electric tại Boston sẽ có một “tấm màn che mặt trời” giúp bù đắp chi phí năng lượng. (Ảnh: GE)

Như một sự tôn vinh đóng góp vào di sản hàng hải của Boston, trụ sở mới của GE nhìn ra kênh đào Fort Point của thành phố sẽ được thiết kế với một “tấm màn che mặt trời” đầy ấn tượng. Theo Tạp chí Boston, tấm màn che được ghép lại bởi “hàng nghìn tấm pin mặt trời cho ánh sáng xuyên qua và giữ lại phần điện năng cho tòa nhà".

Sau khi hoàn thành vào năm 2018, GE hy vọng trụ sở mới của mình sẽ được chứng nhận là một trong những tòa nhà xanh nhất tại Mỹ.

Đại công xưởng của Tesla

Đại công xưởng của Tesla, tòa nhà lớn nhất thế giới theo diện tích vật lý, sẽ được vận hành bởi 100% nguồn năng lượng tái tạo. (Ảnh: Tesla)

Đại công xưởng của Tesla ở Nevada, trung tâm sản xuất pin trong tương lai cho đế chế xe điện, không chỉ là tòa nhà lớn nhất thế giới tính theo diện tích vật lý (với diện tích nhà máy là 126 mẫu Anh), mà còn là một cơ sở với mức năng lượng điện “bằng không”.

Theo CleanTechnica, công ty đã quyết định không xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đến nhà máy ngay từ khi bắt đầu dự án này. Đây là cách để "buộc" tòa nhà phải vận hành dựa vào năng lượng tái tạo. Kế hoạch hiện tại của Tesla không chỉ xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái mà còn lắp đặt các tấm pin mặt trời ở các sườn đồi lân cận. Nếu hệ thống này chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà máy, Tesla Motors chia sẻ rằng họ sẽ phải tìm ra một phương pháp nào đó khác.

Ngoài năng lượng mặt trời, Tesla có kế hoạch bổ sung năng lượng sạch từ lắp đặt hệ thống địa nhiệt điện và điện gió tại chỗ. Nhà máy hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020.

Trường quốc tế Copenhagen

Trường quốc tế Copenhagen ở Đan Mạch sẽ có hơn 12.000 tấm pin mặt trời màu sắc. (Ảnh: Trường quốc tế Copenhagen)

Sau khi hoàn thành vào năm 2017, Trường Quốc tế Copenhagen ở Đan Mạch có diện tích mặt tiền lớn nhất thế giới. Hơn 12.000 tấm pin mặt trời màu sắc đã được tích hợp trực tiếp vào cấu trúc và kính của tòa nhà, giúp giải quyết ra một nửa nhu cầu sử dụng năng lượng của tòa nhà (khoảng 300 megawatt giờ mỗi năm).

Nỗ lực xây dựng hình ảnh trường học hiện đại, thân thiện với môi trường qua việc sử dụng năng lượng sạch, nhà trường cũng đã bổ sung chuyên ngành "nghiên cứu năng lượng mặt trời" trong chương trình giảng dạy. Các sinh viên sẽ được theo dõi hệ thống sản xuất năng lượng mặt trời trong thực tế, sử dụng các số liệu để phân tích trong các lớp học như vật lý và toán học.

“Chúng tôi tự hào rằng với việc xây dựng ngôi trường mới, chúng tôi có thể tích hợp kiến trúc sáng tạo vào các nguyên tắc giảng dạy của mình. Mục tiêu của trường là tạo ra môi trường học tập quốc tế, đào tạo các sinh viên trở thành những công dân có trách nhiệm với thế giới, tập trung vào sự phát triển bền vững trong tương lai” - ông Brit van Ooijen, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường quốc tế Copenhagen chia sẻ.