new/14019231027991.jpg

Điện mặt trời trên mái giúp bảo đảm nguồn năng lượng cho tương lai

Tin thị trường 28-07-2019
Khái niệm điện mặt trời không còn xa lạ đối tại Việt Nam nữa khi nhu cầu dùng điện ngày càng tăng. Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái vừa tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng vừa bảo vệ môi trường.

Chính phủ cũng có nhiều biện pháp khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhằm giảm thiểu áp lực lên điện lưới quốc gia. Trong đó, Quyết định số 11 được Thủ tướng Chính phủ ký Ngày 11.4.2017 quy định rõ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Từ năm 2015 đến năm 2018 chứng kiến sự phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp điện mặt trời với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có tên tuổi như Red Sun, Solar BK/IREX, Canadian Solar Inc., CSUN, Boviet,..

Theo một số liệu thống kê, có tổng cộng 332 dự án điện mặt trời đã đăng ký với nhà nước và tổng công suất lên đến 26,290 megawatt (MWp). Trong đó có 121 dự án với tổng công suất 7,234 MWp sẽ bắt đầu từ năm 2020 và 211 dự án với tổng công suất 13,069 MWp đang chờ phê duyệt.

Bên cạnh đó, khoảng 800 dự án quy mô vừa và nhỏ hơn với tổng công suất 11.6 MW đang trong giai đoạn phát triển và thực hiện.

Một số dự án điện mặt trời hòa lưới quy mô nhỏ đã được thực hiện tại các doanh nghiệp như Intel tại tp.Hồ Chí Minh (220kWp), Big C ở phía nam Bình Dương (212kWp), PUMA/Avery Dennison (100kWp), Deutsche Bekleidungswerke (DBW) ở Long An (165kWp) hay Trung Tâm hội nghị Quốc gia(154kWp), tòa nhà UN (119kWp), Tòa Nhà Quốc hội (50kWp) ở Hà Nội.

Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía nam, nguồn năng lượng mặt trời khá dồi dào, cường độ nắng chiếu xuống các vùng miền trong nước đều cao, phù hợp cho việc phát triển điện mặt trời. Các nhà khoa học ước tính trung bình lượng điện thu được/m2/ ngày là 4-5kWh, ở nơi nhiều nắng có thể lên đến con số 5.5 kWh, tương đương mỗi năm sẽ thu được khoảng 1,460-1,825 kWh/m2.

Nhìn chung, các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có tiềm năng rất lớn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời trên mái.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu hai triệu mái nhà tại Việt Nam lắp 10 kW tấm pin năng lượng mặt trời sẽ giúp giảm thiểu được 16 triệu tấn than đá tại các nhà máy nhiệt điện, tiết kiệm tương đương 3-4 tỷ đô mỗi năm.

Không chỉ doanh nghiệp, hộ gia đình hoàn toàn cũng có thể đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái để tận dụng nguồn điện lấy từ thiên nhiên. Trong vòng 5 tháng, ông Mạc Như Lai, một hộ dân ở tp.Hồ Chí Minh đã dùng 3 kWp điện mặt trời, tiết kiệm được 30% tổng hóa đơn tiền điện của gia đình. Số tiền này không chỉ đến từ việc điện mặt trời trên mái giúp gia đình giảm sử dụng điện lưới mà còn đến từ việc bán điện cho EVN.

Khả năng thu hồi vốn cho hệ thống điện mặt trời trên mái rơi vào khoảng 6-10 năm. Chính phủ cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã có các chính sách cụ thể để mua lại điện mặt trời. Do đó, nếu không sử dụng hết nguồn điện mặt trời thu được trong ngày, hộ gia đình hay doanh nghiệp đều có thể bán lại cho quốc gia để tăng thêm thu nhập, giảm chi phí tiền điện.

Như vậy trong tương lai, đặc biệt là trong các ngày hè nóng nực, nhu cầu sử dụng điện cao, các hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng sẽ chủ động hơn khi có điện mặt trời, không phụ thuộc quá lớn vào lưới điện quốc gia gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất.